Lễ ăn hỏi là một trong ba nghi lễ bắt buộc trong cưới xin ở miền Bắc bao gồm: dạm ngõ, lễ ăn hỏi và lễ cưới. Vì đây là một nghi lễ quan trọng nên những yếu tố như thời gian, nghi lễ và những mâm lễ vật đều được chuẩn bị chu đáo
Lễ ăn hỏi thay cho lời thông báo chính thức về việc hứa gả giữa hai gia đình. Sau buổi lễ này, cặp đôi đã trở thành vợ – chồng chưa cưới và được hai gia đình xem là con cái trong nhà.
Thời điểm và địa điểm của lễ ăn hỏi
Lễ ăn hỏi ở miền Bắc thường không cách xa thời điểm đám cưới, thông thường nhất là trước đám cưới 1 tháng hay 1 tuần. Thông thường, bố mẹ của cô dâu chú rể sẽ đi xem ngày để tìm ra một thời gian thích hợp cho đám hỏi. Khi đã chọn được ngày thích hợp, lễ ăn hỏi sẽ được tổ chức tại nhà cô dâu.
Mâm quả trong lễ ăn hỏi
Mỗi mâm quả (hay tráp ăn hỏi) sẽ đựng một món vật khác nhau. Trong lễ ăn hỏi miền Bắc, những món lễ vật thường là trầu cau, chè (trà), mứt hạt sen, rượu, thuốc lá, bánh cốm, bánh phu thê. Tùy theo điều kiện tài chính của mỗi gia đình mà lượng lễ vật trong mâm quả sẽ khác nhau.
-Lễ ăn hỏi 3 tráp thường có những lễ vật: trầu cau,chè, mứt hạt sen.
-Lễ ăn hỏi 5 tráp thường có: trầu cau, chè, mứt hạt sen, rượu và thuốc lá, bánh cốm.
-Lễ ăn hỏi 7 tráp thường có: trầu cau, chè, bánh cốm, rượu và thuốc lá, mứt hạt sen, bánh phu thê, bánh đậu xanh.
-Lễ ăn hỏi 9 tráp thường có: trầu cau, chè, bánh cốm, rượu và thuốc lá, hạt sen, bánh phu thê, bánh đậu xanh, lẵng hoa quả kết rồng phụng, lợn sữa quay.
-Lễ ăn hỏi 11 tráp thường có ít nhà chọn lựa, và ngoài những mâm quả như lễ 9 tráp, người ta có thể thêm vào đó những vật lễ khác, chẳng hạn như: tháp bia lon, mâm bánh nướng bánh dẻo, mâm xôi gấc trang trí đậu xanh…
Đặc điểm của mâm quả trong lễ ăn hỏi miền Bắc là lượng lễ vật khá nhiều, được sắp xếp theo hình tháp, bày trong mâm quả sơn son thếp vàng, có thể phủ thêm khăn rồng phượng màu đỏ. Đặc biệt, lễ vật không thể thiếu là trầu cau. Những gia đình khá giả còn đặt thêm những mâm quả rồng phượng đặc biệt được làm từ trái cây và lá dừa, mâm lợn sữa quay…
Những loại bánh trong mâm quả thường là bánh cặp, tượng trưng cho âm dương.Tùy theo từng địa phương, người ta có thể sử dụng bánh cốm – bánh phu thê, bánh nướng – bánh dẻo, bánh chưng – bánh dày.
Nguyên tắc “ngoài lẻ trong chẵn”
Một lưu ý khác trong lễ ăn hỏi ở miền Bắc là số lượng tráp luôn là số lẻ, vì số lẻ tượng trưng cho yếu tố “dương”. Nhưng số lượng lễ vật trong từng tráp thì lại luôn là số chẵn, với ý nghĩa là có đôi có cặp.
Lễ dẫn cưới
Ngoài những lễ vật kể trên, nhà trai sẽ chuẩn bị lễ dẫn cưới. Lễ dẫn cưới là tiền mặt được để trong phong bì đặc biệt trong một khay riêng và do mẹ của chú rể cầm khay lễ trao cho mẹ cô dâu trước khi trao các mâm lễ khác. Đây là một nghi thức nhằm thể hiện sự cảm kích của nhà trai trước công ơn dưỡng dục của mẹ cô dâu, vì sau lễ cưới, nhà trai sẽ được thêm người, còn nhà gái thì ngược lại.
Nghi thức trong lễ ăn hỏi
Nhà trai thường sẽ chọn một đội bưng quả là nam, và ngược lại, nhà gái chọn ra một đội bưng quả nữ. Đúng ngày giờ đã được bàn bạc trước, đoàn nhà trai sẽ sắp thành hàng và mang lễ vật vào nhà gái. Trong khi đó, nhà gái đã sẵn sàng trà nước để đón tiếp.
Hai bên sẽ trao lễ dẫn cưới và các mâm quả, rồi đại diện hai gia đình sẽ có đôi lời phát biểu với toàn thể những người đến dự lễ ăn hỏi. Thông thường, trong lễ ăn hỏi miền Bắc sẽ có sự hiện diện của những người lớn tuổi. Sau phần phát biểu, nhà gái đặt một phần lễ vật lên bàn thờ gia tiên.
Cô dâu sẽ ngồi ở trong phòng cho đến khi chú rể hoặc bố mẹ vào đón mới bước ra. Tiếp đó là nghi thức thắp hương tổ tiên. Sau khi hoàn tất, cô dâu sẽ cầm ấm trà đi rót nước mời khách. Khi lễ ăn hỏi kết thúc, nhà gái sẽ chia lại một phần lễ vật, gọi là lễ lại quả cho nhà trai. Một lưu ý khi chia lễ vật là phải dùng tay để tách, không dùng dao.
Theo truyền thống, gia đình cô dâu chỉ đãi trà và một ít bánh ngọt trong lễ ăn hỏi, nhưng hiện nay, đa phần nhà gái đều chuẩn bị một bữa ăn mặn tại gia hoặc đặt nhà hàng để thiết đãi nhà trai để tạo thêm sự thân mật, gắn kết giữa hai gia đình.
nguồn marry.vn
0 nhận xét: